Tăng cân đều đặn là một trong những dấu hiệu chứng tỏ trẻ có sức khỏe ổn định, tăng trưởng, phát triển tốt. Trẻ quá béo cũng có thể là nguồn gốc của một số bệnh lý hoặc trẻ quá gầy, chậm tăng cân, mãi không chịu tăng cân cũng là nỗi lo lớn của các bậc phụ huynh. Ở bài viết này, dieutribiengan.com sẽ chia sẻ đến các mẹ cách chăm sóc trẻ chậm tăng cân để trẻ tăng cân nhanh và đều.
Nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân
Trẻ chậm tăng cân có thể do không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (có bệnh lý, biếng ăn, ăn không cân đối…), hấp thu kém hoặc chưa đáp ứng được mức cao hơn bình thường (sinh non, trong và sau khi bệnh, sau phẫu thuật…). Dưới đây là các nhóm nguyên nhân thường gặp tình trạng chậm tăng cân theo từng nhóm tuổi:
- Trước sinh (gây ra suy dinh dưỡng bào thai, sinh nhẹ cân): sinh non, nhiễm trùng trong thai kỳ, tiếp xúc với thuốc hay hóa chất gây chậm tăng trưởng thai; mẹ hút thuốc lá, uống rượu; dị tật bẩm sinh của thai.
- Sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi): khả năng bú kém (do mẹ hoặc bình sữa), pha sữa sai, cho bú không đúng cách, ép bú, các dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý gây ảnh hưởng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
- 3 đến 6 tháng tuổi: bú thiếu, pha sữa sai, không dung nạp protein sữa, các bệnh lý vùng miệng, trào ngược dạ dày thực quản, dị tật bẩm sinh.
- 7 đến 12 tháng tuổi: nuôi dưỡng sai (chọn thức ăn không phù hợp lứa tuổi và khẩu vị của trẻ, cho ăn dặm trễ sau 6 tháng tuổi, không kiên nhẫn tập lại khi trẻ từ chối thức ăn mới), bệnh lý ở miệng-hầu-họng, ký sinh trùng đường ruột.
- Từ trên 12 tháng tuổi và trẻ lớn: mất tập trung khi ăn, ham chơi, bệnh tật, các sang chấn tâm lý trong gia đình, các vấn đề xã hội khác (điều kiện kinh tế, sợ dư cân, hạn chế loại thức ăn do tập quán…), rối loạn tâm lý, rối loạn nuốt.
Xem thêm: Trẻ biếng ăn chậm tăng cân không còn là nỗi lo của mẹ
Những sai lầm của mẹ khiến trẻ chậm tăng cân
Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài
Khoảng cách giữa các bữa ăn quá dài khiến trẻ không thể tăng cân. Bởi khi khoảng cách giữa các bữa ăn càng dài thì bụng trẻ lại càng dễ sản sinh ra nhiều khí gas dẫn đến tình trạng đầy hơi và khiến cho trẻ không muốn ăn. Kết quả là trẻ hấp thu được ít chất dinh dưỡng, chậm tăng cân và có khi bị sụt cân.
Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần ăn sữa 2 tiếng rưỡi một lần hoặc 8-12 lần trong một ngày. Một số trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều nhưng nếu bé chưa bú đủ số lần, mẹ cần đánh thức bé dậy để cho bé bú. Khi bé không được bú đều đặn, cơ thể mẹ cũng không được kích thích để tăng lượng sữa tiết ra, càng làm bé không nạp đủ chất dinh dưỡng và không có hứng thú bú.
Tắm cho bé ngay sau khi ăn
Việc tắm cho bé ngay sau khi ăn là một sai lầm mà bố mẹ cần phải sửa ngay lập tức vì nó là nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân hoặc sụt cân.
Sau khi ăn, trẻ sơ sinh cũng cần thời gian để dạ dày làm việc. Nếu đi tắm ngay, quá trình tiêu hóa của bé sẽ diễn ra chậm hơn, từ đó quá trình trao đổi chất của bé cũng chậm. Thậm chí, một số em bé còn có thể bị táo bón, nôn, khó tiêu, khí gas vì tắm ngay sau khi ăn. Vì thế, mẹ nên tắm cho em bé trước rồi mới cho ăn.
Không cho dầu ăn + mỡ vào cháo của bé
Khi nấu cháo cho con, các mẹ thường chú ý đến lượng đạm mà quên mất các thành phần khác, nhất là lượng dầu mỡ. Trong khi đó, chất béo là nhóm chất dinh dưỡng rất quan trọng, đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ, giúp hình thành mô mỡ có chức năng điều hòa thân nhiệt, cung cấp chất béo giúp cho quá trình hấp thu các vitamin quan trọng trong cơ thể.
Còn nhiều mẹ lại nghĩ cho dầu mỡ vào món ăn sẽ dễ khiến cho con bị béo phì nhưng trẻ đang trong giai đoạn phát triển rất cần những thành phần này. Vì vậy, khi nấu cháo, nấu đồ ăn cho bé các mẹ cần thêm 1 – 2 thìa dầu/mỡ (có thể cho cả dầu thực vật và mỡ động vật cùng lúc). Theo vị chuyên gia dinh dưỡng, nhu cầu chất béo của trẻ thường 40-50% khẩu phần, thậm chí lên đến 60%.
Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ
Điều trị trẻ chậm tăng cân
Mẹ có thể theo dõi tình hình phát triển cân nặng của bé hàng tháng bằng cách theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ theo từng tuần, từng tháng. Từ đó mẹ có thể thấy con có bị thiếu hay thừa cân so với cân nặng chuẩn. Tùy theo từng nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân mà có những phương pháp điều trị khác nhau, dưới đây là 1 số phương pháp điều trị trẻ chậm tăng cân:
– Tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng, năng lượng.
– Chia nhiều bữa ăn trong ngày để dễ tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất.
– Vận động, thể dục vừa phải, cường độ tương đương đi bộ trong 30 phút trước bữa ăn sẽ giúp ăn ngon miệng hơn và kích thích tăng trưởng cơ.
– Nấu thức ăn đa dạng, ngon, phù hợp với khẩu vị của bé
– Cung cấp thêm vitamin, khoáng chất hoặc vi lượng bị thiếu hụt.
– Không cho trẻ uống nhiều nước hoặc nước trái cây trước bữa ăn, không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn…
– Với trẻ dưới 6 tháng mẹ cần đảm bảo số lượng sữa và số cữ bú ở trẻ: Bé mới sinh cần 30 – 90ml sữa sau mỗi vài giờ. Bé 2 tháng tuổi cần 120 – 150ml sữa sau 3 – 4 tiếng. Bé 4 tháng tuổi cần 120 – 180ml sữa sau 4 tiếng.
– Với trẻ ăn dặm: Mẹ cần lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm sao cho đủ 4 nhóm chất: đạm, bột, béo và rau.
– Khi bé bị ốm, các mẹ càng cho con ăn nhiều để kịp thời cung cấp nhiều dinh dưỡng giúp con nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Khi trẻ chậm tăng cân kèm theo một số biểu hiện sau thì bạn cần thông báo cho bác sĩ trong lúc thăm khám cho con mình để bác sĩ tư vấn chính xác nhất:
- Có nôn ói, trớ, tiêu chảy hay nhai lại thức ăn hay không (trớ, ói xong lại nuốt lại).
- Sợ hay từ chối một số dạng thức ăn (thức ăn cứng hay nghiền nát): có thể là dấu hiệu của rối loạn nhai hoặc nuốt.
- Không ăn hoặc sợ một nhóm thức ăn nào đó (sữa, cá…): có thể là dấu hiệu của không dung nạp hoặc dị ứng thức ăn.
Trên đây là những sai lầm của mẹ khiến trẻ chậm tăng cân và phương pháp điều trị phù hợp. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn có thêm kinh nghiệm chăm sóc con phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều.
Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!