Lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp cho con không phải là điều dễ dàng. So sánh ăn dặm kiểu Nhật và BLW sẽ giúp tìm ra ưu, nhược điểm của từng loại. Từ đó giúp mẹ rút ra cách kết hợp dặm kiểu Nhật và BLW hiệu quả nhất đối cho con.
So sánh ăn dặm kiểu Nhật và BLW
Ăn dặm BLW và ăn dặm kiểu Nhật là 2 phương pháp ăn dặm đang được các bà mẹ Việt rất quan tâm. Ăn dặm kiểu Nhật được đúc rút từ kinh nghiệm của các bà mẹ Nhật. Ăn dặm kiểu BLW rất phổ biến ở Anh, Mỹ, Úc và được du nhập vào Việt Nam vài năm trở lại đây.
Làm mẹ, ai cũng mong muốn sẽ lựa chọn được phương pháp ăn dặm tốt nhất cho con. Mỗi phương pháp ăn dặm sẽ đều có những ưu và nhược điểm riêng. Thông qua những phân tích dưới đây, mẹ sẽ tìm ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho con của mình.
Ăn dặm kiểu Nhật
Đặc điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
- Cho bé ăn thức ăn thô đúng thời điểm: Ăn dặm theo kiểu Nhật, bé sẽ được ăn thô vào đúng thời điểm thích hợp. Trong thời gian đầu, bé sẽ được làm quen thức ăn dặm là cháo loãng nấu theo tỷ lệ 10g gạo nấu với 100ml nước. Sau đó, độ thô của cháo sẽ tăng dần theo độ tuổi và bổ sung thêm các loại thức ăn khác nhau như thịt, rau…
- Cho bé ăn riêng từng loại thức ăn: Mẹ sẽ không trộn lẫn các thực phẩm thành một hỗn hợp. Thực đơn kiểu Nhật bao giờ cũng gồm 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, vitamin và chất đạm. Mỗi loại sẽ được để riêng biệt để bé có thể cảm nhận được mùi vị nguyên bản của thức ăn. Điều này cũng giúp bé phân biệt thức ăn rất tốt.
- Cho bé ăn nhạt: Trong những tháng đầu, gần như mẹ không nêm nếm gì vào thức ăn dặm của bé. Những tháng sau đó, mẹ có thể thêm nhưng rất hạn chế để con được thưởng thức hương vị tự nhiên của thực phẩm.
- Nguyên tắc ăn dặm kiểu Nhật: ngồi ăn trên ghế, ăn tập trung, không ăn rong, không xem tivi, không ép trẻ ăn.
- Trình bày món ăn bắt mắt: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đề cao tính thẩm mỹ của món ăn với mục đích thu hút sự chú ý của bé. Đặc điểm này dựa trên sở thích của trẻ nhỏ. Bé thường bị thu hút bởi những thứ nhiều mắt sắc và có hình thù đa dạng.
Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật
- Bé được làm quen với thức ăn thô đúng thời điểm. Ăn thô quá sớm có thể khiến trẻ khó nuốt. Việc ăn thô đúng thời điểm sẽ giúp bé tránh được hiện tượng biếng ăn, không bị rối loạn vị giác và tốt cho hệ tiêu hoá.
- Khi được ăn riêng từng loại thức ăn, bé sẽ cảm nhận và phân biệt được mùi vị từng loại thực phẩm, không bị ăn “hổ lốn” dẫn tới nảy sinh tâm lý chán ăn.
- Thận của bé sẽ hoạt động tốt hơn nhờ ăn nhạt.
- Việc không ép trẻ ăn giúp bé không sợ hãi. Đồng thời, việc thiết lập nguyên tắc bàn ăn giúp bé ăn tập trung, cảm nhận tốt mùi vị của thức ăn.
Nhược điểm của ăn dặm kiểu Nhật
- Mẹ mất rất nhiều thời gian chế biến và trình bày món ăn cho bé. Đây thực sự là vấn đề gây khó cho các bà mẹ hiện đại.
- Dụng cụ nấu ăn cho bé theo phương pháp này cũng rất nhiều và lỉnh kỉnh.
Nếu mẹ muốn cho con ăn dặm theo phương pháp của Nhật thì cần chuẩn bị tư tưởng và sắp xếp thời gian hợp lý. Bởi cách chế biến và trang trí món ăn cho trẻ rất cầu kỳ. Sở dĩ các mẹ Nhật làm được như vậy là do họ thường nghỉ hẳn việc và dành hoàn toàn thời gian chăm sóc con cái.
Ăn dặm theo kiểu BLW
Đặc điểm của phương pháp ăn dặm kiểu BLW
Tinh thần của phương pháp ăn dặm BLW là ăn cùng bé, cùng bàn, cùng lúc. Trẻ sẽ tự ăn hoàn toàn và ăn thô ngay từ lần đầu tiên. Có thể mẹ sẽ lo lắng về điều này. Nhưng khoa học đã chứng minh, việc ăn không phụ thuộc vào số răng của trẻ mà phụ thuộc vào sự chỉ huy của não bộ.
Tập trung vào rèn luyện kỹ năng xử lý thức ăn cho trẻ như cầm nắm, nhai nuốt chứ không quan tâm trẻ ăn được bao nhiêu.
Mẹ đóng vai trò là người chế biến thức ăn và đặt nó lên bàn cho con. Trẻ có quyền quyết định ăn gì và không ăn gì, ăn cái gì trước, cái gì sau. Thậm chí, trẻ sẽ được ăn bốc hay dùng thìa tuỳ thích.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm BLW
- Tạo điều kiện cho trẻ tự do khám phá mùi vị, kết cấu và màu sắc thức ăn riêng biệt.
- Giúp bé phát triển kỹ năng phối hợp tay với mắt và kỹ năng nhai.
- Trẻ có thể tự ăn bằng thìa rất nhanh.
- Trẻ được ăn uống theo nhu cầu và không bị áp lực khi ăn.
- Mẹ không cần tốn thời gian chuẩn bị đồ ăn riêng cho con. Bé có thể ăn như một thành viên trong gia đình.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm BLW
- Thời gian đầu tập ăn dặm với phương pháp này, bé sẽ chỉ chơi đùa với thức ăn và ăn được rất ít. Vì vậy, mẹ rất dễ vấp phải phản ứng của thế hệ đi trước, dẫn đến áp lực về tâm lý. Bởi người Việt vẫn rất quan trọng cân nặng và lượng thức ăn mà bé nạp vào.
- Mẹ sẽ mất thời gian dọn dẹp sau mỗi lần bé ăn xong vì bé có thể bôi lên người và ném đồ ăn ra khắp nhà.
So sánh giữa hai phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và BLW
Qua những phân tích trên, chúng ta có thể nhận thấy những điểm chung, điểm riêng của hai phương pháp như sau:
Điểm chung
- Đều hướng đến cho bé ăn thô sớm và không ăn bột như phương pháp truyền thống.
- Tôn trọng nhu cầu ăn của trẻ và không ép trẻ ăn.
- Giúp trẻ nhận biết mùi vị thức ăn dễ dàng vì cả hai phương pháp đều để các món ăn riêng biệt, không trộn lẫn.
- Bé được ngồi vào ghế ăn ngay để hình thành thói quen ăn uống tập trung.
Điểm khác biệt
- Ăn dặm kiểu Nhật hướng đến cho trẻ ăn thô theo giai đoạn và thức ăn ở dạng thô tinh. Ăn dặm BLW hướng đến ăn thô hoàn toàn khi để nguyên hình khối thức ăn.
- Với ăn dặm kiểu Nhật, mẹ sẽ xúc thức ăn cho bé ăn. Ăn dặm BLW, bé sẽ tự ăn uống hoàn toàn.
- Ăn dặm kiểu Nhật khiến mẹ mất thời gian chế biến thức ăn. Ăn dặm BLW làm mẹ mất nhiều thời gian dọn dẹp.
Câu hỏi đặt ra cho mẹ lúc này là nên cho bé ăn dặm kiểu Nhật hay BLW? Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi ăn dặm kiểu Nhật hay BLW. Mỗi phương pháp ăn dặm này đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào sở thích, hoàn cảnh mà mẹ có thể quyết định cho con nên ăn dặm kiểu Nhật hay BLW. Nếu quá khó để lựa chọn, mẹ có thể kết hợp 2 kiểu ăn dặm này với nhau để tạo ra hiệu quả tốt nhất.
Xem thêm: phương pháp ăn dặm truyền thống
Cách kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW
Rất khó để tìm ra cách kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW đúng nhất. Ăn dặm kiểu nhật kết hợp BLW thế nào là do cảm nhận và cách biến tấu của mẹ sao cho phù hợp.
Ví dụ, mẹ có thể cho bé ăn dặm BLW kết hợp kiểu Nhật bằng cách linh động thời gian. Với những ngày quá bận bịu, mẹ có thể cho bé ăn dặm BLW để đỡ mất nhiều thời gian chế biến thức ăn. Những ngày rảnh rỗi hơn, mẹ nên dành thời gian để chế biến và trang trí món ăn cầu kỳ hơn cho bé.
Kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW vừa rèn luyện cho bé thói quen tự lập sớm vừa giúp con cảm nhận được sự chăm sóc ân cần của mẹ.
Một lợi ích nữa của kết hợp ăn dặm kiểu Nhật BLW đó là mẹ sẽ không vấp phải sự phản đối của ông bà và những người xung quanh. Bởi nếu chỉ áp dụng ăn dặm BLW, bé sẽ phải ăn thô ngay từ đầu và ăn được rất ít trong giai đoạn tập ăn. Với những người quá coi trọng cân nặng của trẻ thì họ sẽ không chấp nhận điều này.
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật kết hợp BLW
Với những ưu điểm tuyệt vời của 2 phương pháp này, mẹ hoàn toàn có thể kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW để tạo ra một thực đơn mới lạ và kích thích bé ăn ngon hơn.
Bé sẽ vừa được ăn những món cháo thơm ngon, vừa được thưởng thức hương vị nguyên bản của thực phẩm thô.
6 gợi ý thực đơn kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW
Thực đơn 1: Rau cải thảo nấu thịt gà, tráng miệng với táo
Nguyên liệu:
- 3 thìa rau cải thảo
- 2 thìa thịt ức gà
- 30ml nước luộc gà
Cách chế biến:
- Rau cải thảo lấy phần lá hấp chín và thái nhỏ.
- Thịt gà hấp chín rồi xé hoặc giã nhỏ.
- Cho thịt gà và rau cải vào nồi xào cho mềm. Sau đó cho nước luộc gà vào đun đến khi nước gần cạn. Ăn xong khoảng 30 phút, mẹ cho bé tự cầm một miếng táo để tráng miệng.
Thực đơn 2: Súp thịt gà bắp cải, bông cải xanh
Nguyên liệu:
- 2 thìa rau bắp cải
- 2 thìa thịt ức gà
- 50ml nước
- 1 thìa bột năng
- 1 chút muối
Cách chế biến:
- Thịt gà, bắp cải luộc hoặc hấp chín, rồi đem băm nhỏ hoặc xé nhỏ.
- Cho thịt gà, cải bắp, muối vào nồi nước đun sôi với lửa nhỏ khoảng 5 phút. Sau đó cho 1 thìa bột năng đã pha với 3 thìa nước vào đun đến khi sôi. Cho bé ăn kết hợp với 1 – 2 miếng bông cải xanh đã luộc chín mềm.
Thực đơn 3: Cháo trứng và quả bơ
Nguyên liệu:
- 10 thìa cháo trắng
- 1 lòng đỏ trứng
- 50ml nước dashi (loại nước chuyên dùng để nấu cháo cho trẻ)
Cách chế biến:
- Đun nồi nước dashi sôi rồi cho cháo vào nấu chín.
- Đánh tan lòng đỏ trứng rồi cho vào nồi từ từ, đảo nhanh tay cho đến khi chín kỹ.
- Kết hợp cho bé ăn thêm 1 – 2 miếng bơ cắt dài.
Thực đơn 4: Cá ngừ sốt cà chua và chuối
Nguyên liệu:
- 2 thìa to cá ngừ đóng hộp (loại dùng để nấu súp)
- 2 thìa cà chua bỏ hạt, đã được hấp chín, nghiền nhỏ.
Cách chế biến:
- Cà chua và cá ngừ trộn đều rồi quay nóng.
- Chuối lột vỏ và cắt thành từng miếng dài để bé có thể cầm nắm được.
Thực đơn 5: Cháo thịt bằm cải bó xôi, tráng miệng với xoài
Nguyên liệu:
- 10 lá cải bó xôi đã luộc hoặc hấp chín, nghiền hoặc thái nhỏ
- 10g thịt bằm
- 1 chút muối
Cách chế biến:
- Nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo :7 nước rồi dằm nát.
- Cho thịt bằm vào nấu cùng với cháo, cuối cùng cho cải bó xôi vào đun đến khi cháo sệt lại.
Thực đơn 6: Cháo phi lê cá + phô mai
Nguyên liệu:
- 10 muỗng cháo
- 1 miếng cá phi lê
- 1 miếng phô mai
- 1 ít muối
Cách chế biến:
- Cá đem hấp chín, bỏ kỹ xương, xé nhỏ hoặc giã nhuyễn tùy theo độ tuổi của bé.
- Cháo nấu theo tỷ lệ 1:7, khi cháo chín trộn thêm cá rồi đun sôi lại.
- Kết hợp cho bé tự cầm ăn thêm 1 miếng phô mai.
Hy vọng, những thông tin so sánh ăn dặm kiểu Nhật và BLW trên đã giúp mẹ nắm được ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Từ đó có thể tìm ra cách kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW phù hợp nhất cho con.