Cho bé ăn dặm thế nào là hợp lý là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Mẹ không nên cho con ăn dặm tùy hứng, mà cần dựa vào bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày để tránh những sai lầm gây tổn hại đến sự phát triển của con.
Xem thêm:
- Mách mẹ cách cho bé ăn dặm lần đầu tiên nhàn tênh
- 6 nguyên tắc trị trẻ biếng ăn dặm đảm bảo thành công
Mẹ nên cho bé ăn dặm khi nào?
Thời gian trẻ bắt đầu ăn dặm hợp lý nhất là khi được 6 tháng tuổi. Nếu nhận thấy bé có những dấu hiệu dưới đây, mẹ cần cho bé ăn dặm ngay để con không bị đói và có đủ dinh dưỡng để phát triển:
- Sau khi bú cạn sữa mẹ mà bé vẫn còn khóc và đòi bú tiếp.
- Bé cáu kỉnh, mút tay khi chưa đến cữ bú.
- Bé thường xuyên thức dậy đòi bú đến trong khi trước đây ngủ ngoan.
- Ban ngày ngủ chập chờn và dễ thức giấc
- Bé rất hứng thú khi trông thấy người khác ăn và đưa tay như muốn với lấy thức ăn.
Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày theo từng tháng
Để sắp xếp bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày khoa học, mẹ cần nắm được thời gian tiêu hóa hết của các loại thực phẩm.
Loại thức ăn | Thời gian tiêu hóa (giờ) |
Sữa mẹ | 1-2 |
Sữa công thức | 2-3 |
Đồ ăn nhẹ | 3-4 |
Đồ ăn thông thường | 4-5 |
Đồ ăn có dầu mỡ | 5-6 |
Bảng thời gian tiêu hoá của một số thực phẩm cho bé ăn dặm
Thời gian cho bé ăn dặm không giống nhau giữa các độ tuổi. Mẹ cần căn cứ vào số tháng tuổi của con để chia bữa ăn dặm sao cho hợp lý.
Mẹ nên cho bé ăn dặm vào thời gian nào trong ngày?
Trẻ 6 tháng tuổi
Trẻ 6 tháng tuổi có thể ăn dặm bằng bột hoặc cháo loãng 1 lần/ ngày. Sau đó tăng dần lượng thức ăn và tần suất lên 2 – 3 lần/ ngày.
Tuần tuổi đầu tiên của tháng thứ 6, mẹ có cho bé ăn dặm theo bảng thời gian dưới đây:
- Buổi sáng khi bé ngủ dậy: Bú sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Giữa buổi sáng: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
- Buổi trưa: Cho bé ăn một trong 3 món: bột, cháo loãng, rau củ nghiền.
- Giữa buổi chiều: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
- Buổi tối: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
- Trước khi đi ngủ: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
Sang tuần thứ 2 – 3, lịch ăn dặm của bé không có nhiều sự khác biệt. Mẹ có thể bổ sung thêm một bữa ăn vào giữa buổi chiều cho bé. Lưu ý, giai đoạn này, bé vẫn cần khoảng 900ml sữa một ngày.
Trẻ 7-8 tháng tuổi
Bắt đầu từ tháng thứ 7, mẹ có thể bổ sung đầy đủ 4 nhóm thực phẩm thiết yếu vào khẩu phần ăn của trẻ gồm: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Bảng thời gian cho bé 7 tháng tuổi ăn dặm trong ngày mẹ có thể phân chia như sau:
- Buổi sáng sau khi ngủ dậy: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức
- Giữa buổi sáng: Ăn dặm với cháo loãng hoặc trái cây rau củ nghiền…
- Buổi trưa: Ăn nhẹ trái cây, sữa chua…
- Giữa buổi chiều: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức
- Buổi tối: Ăn dặm cháo hoặc súp
- Trước khi đi ngủ: Bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức.
9 – 10 tháng tuổi
Thời kỳ này, nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé đến từ các bữa ăn. Vì thế, bé cần được ăn đủ 3 bữa chính, 3 bữa phụ, bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức.
Thực đơn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ các nhóm dinh dưỡng gồm: chất béo, chất đạm, chất xơ và vitamin. Lúc này, bé cũng đã có thể nhai và ăn được cơm nhuyễn hoặc bột đặc.
- Buổi sáng khi bé thức dậy: Cho bé bú mẹ hoặc uống sữa công thức
- Giữa buổi sáng: Cho bé ăn cháo hoặc bột
- Buổi trưa: Cơm nhuyễn kèm thức ăn và rau củ mềm…
- Giữa buổi chiều: Cho bé ăn trái cây, sữa chua hoặc đồ ăn nhẹ
- Buổi tối: Ăn cơm nhuyễn với thức ăn hoặc cháo đặc
- Trước khi đi ngủ: Bú mẹ hoặc uống sữa công thức.
Trẻ 10 tháng tuổi trở đi
Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày 10 tháng tuổi trở đi không có nhiều sự thay đổi. Mẹ chỉ cần tăng lượng khẩu phần ăn lên để cung cấp đủ năng lượng cho bé phát triển.
Trên đây là bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày khoa học theo tháng tuổi. Tuy nhiên, mẹ không cần áp dụng vào con một cách quá cứng nhắc. Tốt nhất, mẹ nên theo dõi nhu cầu của trẻ và thiết lập thời gian biểu hợp lý nhất cho con yêu của mình.