Trẻ từ giai đoạn 6 tháng đến 1 tuổi là cột mốc rất quan trọng, bởi đây là thời gian trẻ bắt đầu ăn dặm, trẻ bắt đầu làm quen với những món ăn phù hợp với sự tăng trưởng. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại là không ít trẻ chuyển sang giai đoạn này lại bắt đầu gặp tình trạng biếng ăn. vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn?
Xem thêm: Bé lười ăn dặm mẹ phải làm sao?
Trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn khiến cân nặng lập tức sụt, biểu đồ tăng trưởng yếu đi, không còn tốt như giai đoạn bú mẹ hoặc bú bình hoàn toàn nữa.
Theo lý giải của các chuyên gia Nhi khoa, đây là thời gian chuyển từ giai đoạn bú mẹ sang ăn dặm nên trẻ tỏ ra khó thích ứng với việc ăn dặm khiến cho quá trình này gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời hệ tiêu hóa trẻ giai đoạn này còn non yếu, chưa hoàn thiện nên nếu cho ăn không đúng cách, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy như làm cho chức năng nhai phát triển chậm chạp, gây ra tình trạng biếng ăn và kén ăn ở trẻ.
Vậy trẻ giai đoạn ăn dặm (từ 6 – 12 tháng tuổi) biếng ăn, bố mẹ phải xử lý ra sao? Cho trẻ ăn dặm đúng độ tuổi và chú ý đến dinh dưỡng trong thực đơn mỗi ngày sẽ giúp điều trị chứng biếng ăn ở trẻ. Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích giúp mẹ trị dứt điểm thói quen xấu này của trẻ:
1. Cho con ăn dặm theo đúng độ tuổi
Việc cho con ăn dặm sớm quá hoặc muộn quá sẽ phần nào ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của con sau này. Nếu muốn con ăn uống một cách bình thường mẹ nên cho bé ăn dặm vào tháng thứ 5 hoặc 6 để bé có thể tiếp nhận một cách tốt nhất. Nếu cho trẻ ăn sớm quá, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ không thể làm quen được, dẫn đến hiện tượng trẻ biếng ăn.
– Giai đoạn ăn bột: Bắt đầu từ 5-7 tháng tuổi, mẹ đã có thể cho bé nhấm nháp một chút bột. Ở giai đoạn này, mẹ chỉ nên chọn các thức ăn có mùi vị nhẹ nhàng và được xay thật nhuyễn mịn.
– Giai đoạn ăn cháo: Từ tháng thứ 7-10 mẹ có thể tập cho con ăn cháo, ban đầu nên để bé tập làm quen thì mẹ chỉ cần đút 1-2 thìa mỗi bữa xen kẽ bột, sau đó tăng dần lượng cháo lên. Tuyệt đối không chuyển đột ngột từ bột sang cháo vì bé sẽ không kịp thích nghi dẫn đến kém ăn.
– Giai đoạn ăn cơm: Khi có đủ răng bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Thời gian đầu, mẹ nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn, rau mẹ cũng nên cắt ngắn ra cho bé dễ nhai.
2. Cân bằng đủ chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn dặm
Bột ăn dặm của trẻ cũng phải đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Nhóm bột đường bao gồm gạo, bột mỳ, bánh mỳ, bún, phở, ngô, khoai… Nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm… Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu. Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi.
Các nhóm chất dinh dưỡng này phải được sử dụng một cách cân bằng, không thừa không thiếu bởi quá nhiều hoặc quá ít chất bổ dưỡng trong món ăn cũng là một nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Vì thế mẹ cần phải lưu tâm đến vấn đề này khi nấu đồ ăn dặm cho bé.
3. Không bắt trẻ ăn quá nhiều bữa bột 1 ngày
Nhu cầu bổ sung năng lượng của bé ở mỗi giai đoạn, từng tháng tuổi là khác nhau. Mẹ nên cung cấp cho bé một lượng thức ăn vừa phải, tăng dần theo thời gian, phu thuộc vào nhu cầu và sức khỏe của bé. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, sẽ khiến trẻ có cảm giác chán ăn và sợ ăn.
4. Không kéo dài thời gian mỗi bữa ăn
Khi trẻ không chịu ăn, cha mẹ thường cho trẻ vừa ăn vừa xem ti vi, hoặc bế ăn rong để cố ép trẻ ăn hết. Thời gian của bữa ăn có thể kéo dài hàng tiếng đồng đồ. Điều này vừa khiến cho thức ăn bị vữa, khó ăn, đồng thời khiến bé cảm thấy chán ăn. Như vậy, sẽ khiến khoảng cách giữa các bữa ăn của bé bị thu hẹp lại, bé còn chưa kịp cảm thấy đói đã phải ăn tiếp bữa sau.
Vòng luẩn quẩn này khiến bé đã chán lại càng chán ăn hơn và không có cảm giác kích thích vị giác, không có cảm giác thèm ăn. Vì vậy, một bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa là 30 phút, nếu bé không ăn được nhiều cũng nên kết thúc và cố gắng cho bé ăn ở bữa kế tiếp hoặc tăng thêm bữa ăn cho bé.
5. Đa dạng thực đơn cho bé
Thay đổi thực đơn cho bé sẽ giúp kích thích sự tò mò, muốn khám phá món ăn hơn và đồng thời cải thiện cảm giác thèm ăn ở trẻ. Nhiều khi chỉ vì có ấn tượng xấu về một món ăn nào đó, trẻ có thể từ chối ăn các món ăn vào lần sau. Các chuyên gia tâm lý cho rằng tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, cảm giác yên tâm sẽ giúp cho trẻ cảm thấy vui vẻ, ăn uống ngon miệng hơn rất nhiều.
Trên đây là những mẹo giúp mẹ giải thoát tình trạng trẻ dưới 1 tuổi biếng ăn. Hy vọng rằng mẹ có thể có những giải pháp riêng cho con mình thoát khỏi tình trạng biếng ăn, phát triển toàn diện. Dieutribiengan chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!