Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, hành vi biếng ăn của trẻ ngày nay có liên quan đến sự trì hoãn của não bộ, rối loạn vị giác và cách cha mẹ dạy trẻ lúc bắt đầu ăn dặm chưa đúng. Bảng đánh giá hành vi biếng ăn được sử dụng nhằm giúp cha mẹ tự đánh giá được tác động của hành vi lên sự biếng ăn và giải pháp cho vấn đề biếng ăn của bé.
Xem thêm: Bé lười ăn nên bổ sung gì? 5 nhóm dưỡng chất mẹ cần nạp ngay cho con!
Mục đích của bảng đánh giá hành vi biếng ăn
Bảng đánh giá hành vi biếng ăn bao gồm 35 câu hỏi được phát triển từ GS.BS. Wardle, J, chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng ở Anh. Bảng đánh giá đã được Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Anh thông qua và giản đơn hơn để hướng dẫn giúp cha mẹ có thể hình dung dễ dàng hơn về tác động hành vi lên sự biếng ăn của trẻ.
Sử dụng bảng đánh giá hành vi biếng ăn như thế nào?
Cha mẹ có thể tự trả lời 35 câu hỏi này TẠI ĐÂY
Sau đó, cha mẹ tự tính điểm theo hướng dẫn và tìm 3 mục phân loại cao nhất mà gần với trường hợp trẻ nhà bạn. Cuối cùng đọc những hướng dẫn cho mỗi mục phân loại hành vi bên dưới để có cái nhìn tổng quan hơn về hành vi biếng ăn và hướng giải quyết.
8 Mục phân loại hành vi
1. Mục FR: Trẻ đáp ứng với thức ăn
Trẻ có biểu hiện theo mục này, là có đáp ứng với thức ăn. Tuy nhiên cha mẹ cần chú ý:
* Tránh giới thiệu thức ăn không lành mạnh cho các trẻ dưới 2 tuổi
* Tránh ăn vặt trước bữa chính
2. Mục EOE: Trẻ có biểu hiện của hành vi ăn không kiểm soát
Trẻ dễ đáp ứng với việc ăn, thích ăn, có nguy cơ dẫn đến thích các thức ăn không lành mạnh, nguy cơ cao các bệnh mãn tính như béo phì. Cha mẹ nên:
* Giới thiệu thức ăn đúng bữa ăn. Tránh giới thiệu thức ăn vặt/nước ngọt trước bữa ăn hoặc rải rác trong ngày
* Giới thiệu đa dạng
3. Mục EF: Trẻ thích ăn
Trẻ đang có biểu hiện tích cực với thức ăn và việc ăn. Cha mẹ nên tiếp tục tạo nhiều cơ hội cho trẻ khám phá món mới, đừng quan tâm nhiều đến cân nặng của trẻ khi trẻ có mục này nằm trong 3 mục cao nhất.
4. Mục DD: Trẻ có xu hướng uống nhiều hơn ăn
Nguy cơ làm giảm lượng ăn của bé, tạo cảm giác no cho bé, giảm chất lượng bữa ăn. Trẻ rơi vào mục này thường thích uống bằng bình, thích uống sữa hơn ăn, thích uống nước trắng hoặc nước có nhiều đường.
Giải pháp:
- Tập cho trẻ bỏ uống bằng bình, chuyển sang uống bằng cốc 2 quai hoặc bằng ống hút
- Giới thiệu thức uống trong bữa xế, tránh các bữa ăn chính
- Không cho trẻ uống nước/nước ép trái cây trong bình
5. Mục SR: Trẻ có vấn đề về vị giác
Có thể trẻ có xu hướng rối loạn vị giác tiêu biểu trong hành vi biếng ăn. Cha mẹ nên:
* Chia các loại thức ăn riêng ra.
*Tránh giới thiệu vị ngọt trước. Cho trẻ ăn các vị trung hòa (không quá lệch 1 vị như quá ngọt hoặc quá mặn) trong bữa ăn.
* Nếu sau 1 tuổi hạn chế lượng sữa bình là < 500ml
6. Mục SE: Trẻ ăn chậm hoặc trì hoãn bữa ăn.
Hành vi này là làm bữa ăn kéo dài, làm trẻ biếng ăn. Nguyên nhân là do trẻ không tập trung khi ăn.
Cha mẹ nên:
*Cho trẻ ngồi ghế ăn hoặc ăn trên bàn ăn của gia đình (trẻ từ 3 tuổi).
*Hạn chế các tác nhân gây mất tập trung như TV, ipad, đồ chơi.
7. Mục EUE: Trì hoãn tâm lý trong lúc ăn
Các trẻ này thường nằm trong độ tuổi mà biểu hiện tính độc lập cao, phát triển các biểu hiện tantrum (nóng giận, dễ khóc, dễ vui) khi ăn.
Cha mẹ nên:
- Tránh các việc gây cho trẻ khó chịu khi bắt đầu bữa ăn
- Luôn hỏi bé: Con có muốn ăn món này, hay bây giờ chúng ta sẽ ăn tối nhé. Nghĩa là luôn cho trẻ biết trước trẻ sẽ ăn gì, tạo điều kiện cho trẻ cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn.
- Khi trẻ có biểu hiện tantrum trong lúc ăn, nên kết thúc bữa ăn và cho trẻ bữa khác sau 30-45 phút.
- Cha mẹ nên kiên nhẫn với các trẻ phân loại ở mục này
8. Mục FF: Trẻ biếng ăn thuần
Các trẻ có biểu hiện chủ động từ chối, chủ động thích/không thích. Nguyên nhân thường là do cha mẹ vi phạm luật mama ngay từ đầu, cách cha mẹ cho trẻ ăn chưa phù hợp.
Cha mẹ nên:
- Kiên nhẫn giới thiệu lại
- Chủ động kéo trẻ vào bữa ăn bằng các hoạt động như tạo bữa ăn khác biệt hơn về màu sắc, cấu trúc, hoặc cho trẻ sắp dĩa hay thức ăn vào dĩa
- Hạn chế các tác nhân gây mất tập trung như TV, ipad, đồ chơi. Áp dụng nguyên tác “CÁI HỘP KÌ DIỆU” của bài viết trước của tôi
- Cho trẻ ăn riêng mỗi loại, khuyến khích trẻ chọn loại trẻ thích
- Chú ý tư vấn chuyên gia dinh dưỡng về nguy cơ thiếu 1 số chất quan trọng như vitamin A,C, D, nhóm B , kẽm nếu trẻ dưới 5 tuổi và ở mục này lâu hơn 2 tháng.
- Cũng nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng trong trường hợp trẻ bạn rơi mục này.
Thông thường cha mẹ chú ý các giải pháp trên và thay đổi dần cho trẻ thì khoảng 2 tháng trẻ có thể thay đổi hành vi theo hướng tích cực hơn. Nếu trẻ rơi vào mục FF, SE, SR khi độ tuổi dưới 1 tuổi, thì cha mẹ nên kiên nhẫn giúp trẻ và thường trẻ hơn 1 tuổi thì mới có thể thay đổi dần được.