Hiện nay, ăn dặm truyền thống đã không còn được các bà mẹ hiện đại đánh giá cao. Bởi các mẹ cho rằng, ăn dặm truyền thống sẽ mất nhiều thời gian, không rèn luyện được tính tự lập và các kỹ năng xử lý thức ăn cho trẻ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Sau đây Appetito sẽ bật mí cho mẹ các bí quyết để khắc phục hoàn toàn các nhược điểm của ăn dặm truyền thống.
Ăn dặm truyền thống là gì?
Ăn dặm kiểu truyền thống là một phương pháp lâu đời và phổ biến ở Việt Nam. Khi bé đến giai đoạn ăn dặm, mẹ sẽ nấu bột với rau, củ, thịt, cá xay nhuyễn. Ăn dặm truyền thống thường cho bé ăn nhiều chất béo, đạm trong giai đoạn tập ăn. Khi bé mọc răng sẽ chuyển sang ăn cháo.
Ngoài phương pháp ăn dặm truyền thống, hiện có 2 phương pháp ăn dặm phổ biến khắc được các mẹ áp dụng là: phương pháp ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm kiểu phương Tây (ăn dặm bé tự chỉ huy BLW). Trong bài viết này, Appetito Bimbi sẽ giúp mẹ tự tin áp dụng ăn dặm truyền thống đúng cách, phát huy tối đa hiệu quả và hạn chế các nhược điểm của phương pháp ăn dặm tưởng như đã lỗi thời này.
Ưu và nhược điểm của ăn dặm truyền thống
1. Ưu điểm của ăn dặm truyền thống
- Vì được mẹ đút nên bé có thể ăn được số lượng nhiều ngay từ đầu và tăng cân tốt hơn.
- Mẹ dễ nhận được sự ủng hộ từ thế hệ đi trước. Điều này sẽ giúp mẹ đỡ bị áp lực và không hề “cô độc” trên hành trình cho bé ăn dặm.
- Thức ăn xay nhuyễn giúp hệ tiêu hoá của bé không bị quá tải.
- Mẹ không mất nhiều thời gian chế biến.
2. Nhược điểm của ăn dặm truyền thống
- Khả năng ăn thô và xử lý thức ăn của bé kém.
- Mẹ sẽ mất nhiều công dỗ dành bé ăn.
- Bé không cảm nhận được mùi vị nguyên bản của từng loại thực phẩm do chúng được xay lẫn với nhau.
- Ăn bột, cháo xay lâu ngày có thể dẫn tới biếng ăn ở trẻ.
- Bị ép ăn sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi, đầy bụng, rối loạn tiêu hoá.
Bí quyết khắc phục những nhược điểm của ăn dặm truyền thống
Nhìn vào những gạch đầu dòng khá dài về nhược điểm của ăn dặm truyền thống, chắc hẳn mẹ sẽ thấy e dè khi áp dụng phương pháp ăn dặm này cho con. Nhưng thực tế mỗi năm, vẫn có hàng triệu trẻ em Việt Nam ăn dặm theo phương pháp này và tăng cân khỏe mạnh.
Mẹ hoàn toàn có thể khắc phục các nhược điểm của ăn dặm truyền thống theo các gợi ý dưới đây:
1. Cách để bé ăn ngoan mà không phải ép
Ngay từ đầu, mẹ cần rèn cho con thói quen ăn uống nghiêm túc với các nguyên tắc: Không xem tivi, điện thoại, không làm trò hát múa, không bế bé đi rong.
Cứ đến bữa ăn, dù ăn cháo hay ăn trái cây, mẹ luôn luôn đặt con ngồi vào ghế. Đây là dấu hiệu để bé nhận biết đã đến giờ ăn, cứ ngồi vào ghế là con sẽ ăn ngoan mà mẹ không cần ép. Mẹ nên chuẩn bị 2 chiếc ghế ăn dặm cho bé. Một chiếc ghế thấp để bé ăn riêng. Một chiếc ghế cao để con ngồi vào bàn ăn cùng gia đình.
Chăm chỉ cho con ngồi ăn cơm cùng gia đình sẽ giúp mẹ cải thiện kỹ năng ăn thô cho trẻ. Trong bữa ăn, mẹ có thể cho bé ăn dặm thêm bằng các thức ăn của người lớn như vài hạt cơm, mẩu bánh mì, mẩu cá nhỏ, miếng rau nhừ…
2. Cách giúp bé không bị ngán bột, cháo xay
Để bé bớt ngán ăn bột, mẹ có thể xen kẽ cho bé ăn riêng từng loại thức ăn. Ví dụ, ngoài 2 bữa cháo chính, mẹ có thể cho bé ăn bữa phụ với vài miếng trái cây, rau củ được cắt thanh dài hoặc cắt nhỏ. Mẹ chỉ cần để vào khay ăn cho bé. Con có thể ăn thêm hoặc chơi đùa với thức ăn tuỳ thích. Việc này không chỉ giúp bé cải thiện vị giác mà còn rèn luyện cho bé các kỹ năng xử lý thức ăn thô rất tốt.
Thay đổi đa dạng các loại rau củ, thịt cá để con bớt ngán và ăn được nhiều loại thực phẩm hơn. Mỗi khi cho bé ăn món mới, mẹ chỉ nên cho con ăn một chút và tăng dần để bé làm quen.
Không cố ép bé ăn vượt quá ngưỡng nhu cầu. Nếu bé có biểu ngậm, mẹ chỉ nên thử đút thêm cho bé 1-2 lần nữa. Nếu con nhất quyết không ăn thì mẹ hãy dọn thức ăn đi và cho con ăn vào thời điểm khác.
Không cho trẻ ăn vặt, uống nhiều nước hay sữa trước bữa ăn.
Ngoài việc áp dụng những bí quyết giúp bé ăn uống khoa học hơn ở phía trên, mẹ vẫn có thể duy trì những ưu điểm của ăn dặm truyền thống. Ví dụ như: cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn để bảo vệ hệ tiêu hoá, đút cho bé để đảm bảo lượng thức ăn. Như vậy, ăn dặm truyền thống thực sự không hề lỗi thời phải không các mẹ?
Lượng thức ăn dặm cho bé bao nhiêu là đủ?
Cho bé ăn dặm bao nhiêu một bữa, bao nhiêu bữa một ngày chắc chắn là vấn đề mà mẹ nào cũng quan tâm. Dưới đây là lượng thức ăn mỗi ngày cho bé ăn dặm theo độ tuổi mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng ăn đúng lượng thức ăn này. Bé có thể ăn nhiều hoặc ít hơn một chút cũng không sao. Chỉ cần bé vẫn tăng cân và luôn khỏe mạnh thì mẹ không cần quá lo lắng.
Loại thức ăn | 6-8 tháng | 9-11 tháng | 12-23 tháng |
Bột gạo | 20g(4 thìa cà phê) | 25g | 40g |
Chất đạm (thịt, tôm, cá… | 10-15g | 15-30g | 25-30g |
Rau củ quả | 2 thìa cà phê | 2 thìa cà phê | 2-3 thìa cà phê |
Dầu mỡ | 1 thìa cà phê | 1 thìa cà phê | 2 thìa cà phê |
Số bữa/ngày | 1 | 2-3 | 3 |
Cấu trúc thức ăn | Bột loãng, sền sệt rồi đặc.
Thức ăn xay hoặc nghiền
|
Bột đặc
Thức ăn nghiền hoặc thái nhỏ |
Cháo Thức ăn thái nhỏ, cắt khúc.
|
Bảng lượng thức ăn cho bé ăn dặm 1 bữa theo độ tuổi
Xem thêm: Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày
Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé tăng cân nhanh
Nếu mẹ đang chưa biết nấu các món ăn dặm truyền thống nào cho con thì hãy tham khảo 10 món cháo bổ dưỡng dưới đây nhé:
Cháo thịt lợn, khoai lang, cà rốt
Nguyên liệu: Thịt lợn, gạo, khoai lang, cà rốt, dầu ăn.
Cách chế biến:
- Cà rốt, khoai lang rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín rồi tán nhuyễn.
- Thịt rửa sạch, luộc chín, xay nhuyễn.
- Cho gạo vào nước luộc thịt nấu chín nhừ.
- Cháo chín cho hỗn hợp thịt, rau củ vào đun sôi đều trong 3-5 phút thì cho nêm nếm gia vị và thêm chút dầu ăn.
Súp thịt gà khoai tây phomai
Nguyên liệu
- 1 củ khoai tây nhỏ
- Thịt ức gà
- 1 viên phô mai
Cách chế biến
- Khoai tây gọt vỏ, hấp chín, tán nhuyễn.
- Thịt gà xay nhuyễn, cho vào nồi nấu sôi. Sau đó cho khoai tây vào khuấy đều trong 2 phút.
- Trước khi tắt bếp cho phô mai và nêm nếm.
Cháo tôm bí đỏ
Nguyên liệu: tôm, bí đỏ, hành khô, dầu ăn, nước mắm cho bé.
Cách chế biến
- Cho gạo và bí đỏ vào nồi nước nấu nhừ cho đến khi chúng quyện vào nhau.
- Tôm sơ chế sạch, luộc qua với nước sôi. Tôm chín đem băm nhuyễn rồi phi thơm với hành khô.
- Cháo chín, cho tôm vào khuấy đều đến khi chín thì cho 1 muỗng dầu ăn và nêm một chút mắm nhạt.
Cháo thịt bò bằm với cà rốt
Nguyên liệu
- Cháo trắng nấu nhừ loãng
- Cà rốt, thịt bò băm nhuyễn
- Dầu ăn dặm cho bé
Cách chế biến
- Hòa cà rốt, thịt bò đã băm nhuyễn với khoảng 1/3 chén nước cho chúng tan đều vào với nhau .
- Cho cháo vào đun sôi cùng hỗn hợp thịt bò, cà rốt.
- Cho thêm 1 thìa dầu ăn dặm, khuấy đều trước khi cho bé ăn.
Cháo thịt lợn rau ngót
Nguyên liệu
- Thịt lợn nạc
- Rau ngót
- Hành lá
- Gạo tẻ
Cách chế biến
- Gạo vo sạch sau đó cho vào nấu đến khi bung nhừ
- Rau ngót rửa sạch, vò kĩ, băm nhỏ
- Thịt lợn nạc băm nhỏ cùng với đầu hành trắng. Sau đó ướp thịt với ít nước mắm, hạt nêm.
- Cho phần thịt đã băm vào nồi cháo, khuấy đều cho thịt chín rồi cho tiếp phần rau ngót vào.
- Cuối cùng thêm dầu ăn dặm trước khi cho bé ăn.
Lưu ý trong cách nấu ăn dặm truyền thống cho bé
Không đổ thêm nước lạnh khi đang ninh nước dùng
Trong thịt, xương chứa nhiều protein và chất béo. Khi đang đun với nhiệt độ cao mà đổ thêm nước lạnh vào sẽ khiến các chất dinh dưỡng bị kết tủa nhanh chóng. Việc này cũng khiến thịt và xương khó nhừ. Dinh dưỡng, mùi vị đều bị biến đổi và giảm chất lượng.
Không nêm nhiều gia vị khi con bắt đầu ăn dặm
Thận của bé còn non yếu nên mẹ cần hạn chế gia vị khi nấu cháo ăn dặm cho con. Giai đoạn từ 6-8 tháng, mẹ không nên cho bất kỳ gia vị nào vào cháo ăn dặm của con. Vị mặn, ngọt tự nhiên của thực phẩm hoàn toàn đủ dùng mà an toàn cho bé. Từ tháng thứ 9 trở đi, mẹ có thể nêm chút gia vị vào thức ăn cho con nhưng phải thật nhạt.
Không cho sữa vào cùng lúc với thực phẩm khác
Thêm sữa vào các món cháo, súp sẽ giúp món ăn dặm của bé tăng thêm dinh dưỡng. Nhưng mẹ không nên cho sữa vào cùng các thực phẩm khác và đun sôi nhiều lần. Việc đun sữa quá lâu sẽ khiến protein trong sữa bị phân rã và vitamin bị phá hủy. Nếu muốn cho thêm sữa vào món cháo, mẹ nên đổ vào sau cùng, đun sôi một lần rồi tắt bếp để giữ lại tất cả dinh dưỡng.
Ăn dặm truyền thống thực chất có rất nhiều ưu điểm và phù hợp với đa số người Việt. Ăn dặm truyền thống kết hợp với việc tạo cho con thói quen ăn uống tập trung, khoa học sẽ là lựa chọn tuyệt vời dành cho mẹ và bé.
Bài viết liên quan: