Khi bé mới chào đời, các bà mẹ được khuyên nên đội nón che kín thóp cho con để tránh bị “lạnh thóp”. Vậy thóp trẻ sơ sinh là gì mà mẹ cần phải chăm sóc như vậy?
Dù chiếm một phần diện tích rất nhỏ, nhưng thóp của trẻ sơ sinh lại phản ánh rất rõ tình trạng sức khỏe của con. Chính vì vậy, mẹ cần phải nắm được cấu trúc, chức năng và những dấu hiệu cảnh bảo bất thường ở thóp trẻ sơ sinh để sớm có biện pháp can thiệp kịp thời.
Thóp trẻ sơ sinh là gì?
Thóp là gì? Thóp là một phần mềm trên đầu của trẻ sơ sinh, có thể nhìn thấy được từ lúc bé mới chào đời cho đến khi được vài tháng tuổi. Nếu nhìn kỹ, mẹ sẽ thấy thóp ở dạng vòng tròn hơi lõm xuống hoặc không được bao phủ bởi hộp sọ như những phần khác trên đầu.
Thông thường mẹ chỉ nhìn thấy thóp trước của trẻ. Nhưng thực tế, bé sơ sinh có thóp trước và thóp sau. Thóp trước (hay còn gọi là mỏ ác trẻ sơ sinh) nằm ở phía trên đỉnh đầu, giữa xương trán và xương đỉnh đầu. Thóp sau của trẻ sơ sinh nằm giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm. Nhiều mẹ nhận thấy đầu trẻ sơ sinh bị lõm phía sau hoặc trẻ sơ sinh bị lõm sau đầu thường rất lo lắng. Thực chất, điểm lõm đó chính là thóp sau của bé.
Khi chạm vào thóp bé, mẹ sẽ thấy những vùng này mềm mại, không cứng như các xương sọ ở xung quanh. Mỗi khi bé thở hay khóc lớn, mẹ cũng có thể quan sát thấy thóp bé phập phồng theo các mức độ khác nhau.
Kích thước thóp của trẻ sơ sinh thế nào là bình thường?
- Thóp trước của trẻ sơ sinh: Kích thước phần thóp phía trước thường có xu hướng thay đổi rất nhanh và rất nhiều. Khi vừa sinh ra, thóp trước của trẻ sơ sinh có kích thước khoảng 2,1cm, có thể thay đổi từ 0,6 – 3,6cm tùy vào từng bé.
- Thóp sau của trẻ sơ sinh: Khi trẻ vừa mới sinh ra, thóp sau của trẻ có kích thước trung bình khoảng 0,5cm và thường đóng lại khi bé được đầy 2 tháng tuổi.
Chức năng của thóp trẻ sơ sinh
Thóp của trẻ có cấu trúc màng sợi để gắn kết xương đầu lại với nhau. Thóp chính là đường nối đàn hồi giữa các xương hộp sọ của trẻ sơ sinh. Dưới đây là chức năng chính của thóp trẻ sơ sinh:
- Giúp bé “chui” ra an toàn hơn
Thóp đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bé được sinh ra qua đường âm đạo dễ dàng hơn. Khi được sinh ra qua âm đạo, đầu bé bị ép chặt lại. Do đó, giống như một sự sắp đặt của tạo hóa, các thóp đầu lúc này giống như một khoảng hở để não được đàn hồi, giúp trẻ dễ dàng thoát ra ngoài mà không bị đau hoặc chảy máu trong não, vùng mắt và màng xương.
- Bảo vệ bé khỏi những chấn thương não
Khi bé lớn dần lên, chuyện bị gặp các chấn thương ở phần đầu là điều không hề hiếm gặp. Lúc này, thóp sẽ đóng vai trò như một chiếc đệm bảo vệ não bé khỏi chấn động từ bên ngoài khi chẳng may bé ngã.
- Tạo không gian cho não phát triển
Não cũng sẽ lớn dần theo sự phát triển của bé. Lúc này, thóp còn đóng vai trò là khoảng không gian để não phát triển bằng cách tùy chỉnh các khớp nối.
Thóp trẻ sơ sinh bao lâu thì đầy?
- Đối với thóp trước: Thông thường, mẹ rất khó có thể xác định được vị trí thóp sau của bé vì nó nhỏ hơn thóp trước và sẽ đóng lại khi bé được 6 tuần. 4 tháng là khoảng thời gian tối đa để thóp sau của bé khép kín hoàn toàn.
- Đối với thóp sau: Sau khi sinh khoảng 3 tháng, thóp trước của bé sẽ to dần lên theo sự hoàn thiện não bộ và chu vi đầu của trẻ. Sau đó, nó sẽ thu dần lại. Đến khi bé được 12-18 tháng, thóp sẽ chính thức đầy lên và khép lại.
Những bất thường ở thóp trẻ sơ sinh mà mẹ phải biết
Trong quá trình hoàn thiện, thóp của trẻ sơ sinh sẽ thay đổi liên tục. Trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng thóp của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nếu thấy thóp trẻ có những sự thay đổi như mô tả dưới đây, mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Thóp trẻ sơ sinh bị phồng
Nếu mẹ thấy thóp của bé phồng lên, kèm theo các triệu chứng như bé hay khóc, sốt, nôn mửa và co giật thì mẹ cần đưa bé đi khám ngay. Đó có thể là biểu hiện của viêm não, viêm màng não hoặc một số bệnh lý khác gây áp lực trong não của bé.
Thóp trẻ sơ sinh bị lõm
Đối với những bé có thóp bị lõm hay đỉnh đầu bị lõm thì rất có thể bé bị mất nước cấp tính do các bệnh lý như tiêu chảy trong thời gian dài, sốt cao, ra mồ hôi nhiều… Ngoài ra, thóp trước hay thóp sau của trẻ sơ sinh bị lõm cũng có thể là do bé bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, sút cân nhanh chóng vì không hấp thu đầy đủ canxi và vitamin cần thiết cho cơ thể.
Thóp trẻ sơ sinh quá lớn
Thóp trẻ sơ sinh rộng thường xảy ra ở bé mới sinh và dễ gặp hơn ở những bé bị còi xương. Thóp trẻ sơ sinh quá lớn sẽ tác động xấu đến não bộ của trẻ, gây tràn dịch não rất nguy hiểm.
Có nhiều người cho rằng, đầu trẻ to, thóp rộng là dấu hiệu của trẻ thông minh. Nhưng sự thật thì đó là một dấu hiệu cảnh báo có thể trẻ đã mắc một bệnh gì đó.
Thóp trẻ sơ sinh quá nhỏ
Thóp quá nhỏ sẽ khiến cho đầu bé bị dị tật do bị thu hẹp chỏm đầu, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển não bộ của bé sau này.
Thóp trẻ sơ sinh đóng sớm
Thóp trẻ sơ sinh đóng sớm do nhiều lý do như: bẩm sinh, xương đầu hoặc não cốt hóa sớm hoặc mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang trong thời gian dài. Hậu quả của hiện tượng thóp đóng sớm là làm cản trở sự phát triển não bộ và trí tuệ của bé.
Thóp trẻ sơ sinh đóng muộn
Thóp trẻ đóng lại quá muộn cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Điều đó chứng tỏ xương chậm cốt hóa do chức năng của tuyến giáp trạng kém, bé có thể bị bệnh còi xương, suy dinh dưỡng hoặc do não trẻ to lên một cách bất thường.
Thóp của trẻ sơ sinh phập phồng
Nếu thóp của trẻ phập phồng thì đó là do sự di chuyển của máu qua vùng thóp. Điều này hết sức bình thường và bé vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Cách chăm sóc thóp cho trẻ sơ sinh tốt nhất
Dưới đây là cách chăm sóc và bảo vệ thóp cho bé khoa học nhất:
- Thường xuyên quan sát và thi thoảng sờ vào thóp trẻ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của con. Tuy nhiên, mẹ cần nhẹ nhàng, không nên quá mạnh tay sẽ khiến trẻ sợ và đau. Số lần sờ thóp tùy thuộc vào thái độ và sức khỏe của trẻ lúc đó.
- Có thể dùng mũ che thóp để bảo vệ đầu cũng như giữ ấm thân nhiệt cho bé. Đặc biệt là sau khi tắm, mẹ cần lau khô da đầu cho bé ngay và giữ ấm bằng mũ để trẻ không bị mất nhiệt. Từ đó giúp tránh cảm lạnh hoặc mắc phải các bệnh nguy hiểm khác.
- Không nên đội mũ liên tục cho bé, điều này có thể gây nồm và nóng bức cho trẻ vào mùa hè. Mẹ chỉ cần đội mũ cho trẻ sau khi tắm, khi trời trở lạnh hoặc đang ở những nơi có gió.
Trong hầu hết các trường hợp, mẹ không cần phải quá lo lắng về thóp của trẻ sơ sinh. Nhưng nếu lo lắng về các vấn đề về thóp mà bé có thể gặp, mẹ đừng ngại hỏi ý kiến bác sĩ để cảm thấy yên tâm hơn. Ngoài ra, mẹ cũng nên kiểm tra thóp của bé thường xuyên, nếu thấy các dấu hiệu bất thường, mẹ đưa bé đi bệnh viện ngay để được bác sĩ can thiệp kịp thời.