Cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết, không được cung cấp đủ năng lượng và các yếu tố vi lượng đảm bảo cho cơ thể phát triển chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Có rất nhiều nguyên dẫn đến tình trạng này, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan xuất phát từ cha, mẹ của trẻ trong cách chăm sóc cũng như trong chế độ bổ sung dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ ngay khi bé còn trong bụng mẹ và những năm tháng đầu đời. Cùng tham khảo một số nguyên nhân thường gặp dưới đây để có cách phòng ngừa cũng như chăm sóc bé hiệu quả.
Nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng ở trẻ em
1. Chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng thiết yếu
Chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Phần lớn do một số cha, mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy con trẻ như:
- Cho bé bú ít sữa mẹ, cai sữa sớm cho trẻ, cho bé bú sữa ngoài thay vì bú sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn thực phẩm tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo rằng trong 6 tháng đầu đời bé nên được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Các ông bố bà mẹ quá bận rộn hoặc thiếu kiến thức về chăm trẻ, không nuôi con bằng sữa mẹ mà lạm dụng sữa ngoài khi bé còn quá nhỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhiều nhất.
- Cho bé ăn dặm không đúng cách: Cai sữa sớm và cho bé ăn dặm để bé cứng cáp hơn là một quan điểm sai lầm nếu như các mẹ cho bé ăn dặm không đúng cách. Bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Khi trẻ đến tuổi ăn dặm mà lại bổ sung dinh dưỡng quá ít hoặc không khoa học nên khiến cơ thể bé không hấp thụ được chất dinh dưỡng. Hoặc cũng có thể do tâm lí căng thẳng dẫn đến biếng ăn do các bậc cha mẹ chăm con không đúng cách.
- Cho trẻ ăn quá ít so với nhu cầu dinh dưỡng cơ thể cần: Nguồn năng lượng trẻ em cần được cung cấp phải đủ cho sự phát triển thể trạng và trí óc. Bởi trẻ em rất hiếu động và chạy nhảy thường xuyên để khám phá thế giới xung quanh nếu không cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ thì lượng tiêu hao sẽ nhiều hơn lượng hấp thụ dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
- Do điều kiện gia đình: Trẻ em sinh ra trong những gia đình nghèo, không có điều kiện, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong từng gia đoạn. Hiện tượng này thường gặp ở các vùng miền núi, nông thôn.
- Do cách chế biến thức ăn: Chế biến thức ăn không đúng cách, làm mất chất dinh dưỡng trong quá trình nấu cũng khiến con bạn dù có ăn được nhưng vẫn bị thiếu chất hoặc thức ăn không hợp khẩu vị khó hấp thụ.
2. Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng
Viêm đường hô hấp, tiêu chảy… là những bệnh lý thường gặp ở trẻ. Khi mắc những bệnh này trẻ thường cảm thấy khó chịu, và biếng ăn. Trẻ biếng ăn và mắc các bệnh nhiễm trùng sẽ làm giảm quá trình lên men thức ăn khiến cho việc hấp thu chất dinh dưỡng kém. Những kháng sinh điều trị bệnh không chỉ tiêu diệt các vi trùng gây hại cho cơ thể, mà còn tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở đường ruột dẫn đến rối loạn đường tiêu hóa kéo dài, điều này khiến trẻ biếng ăn và thức ăn không được hấp thụ triệt để.
3. Do thể trạng dị tật
Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, trẻ bị suy dinh dưỡng còn do một số nguyên nhân sau:
- Trẻ kém hấp thu: Dù được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng cơ thể của bé không thể hấp thu được chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.
- Môi trường sống: trẻ sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu dưỡng chất cao hơn mà không được cung cấp tăng cường.
- Do trẻ biếng ăn: Trẻ biếng ăn, lười ăn khiến cho cơ thể không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng được cung cấp mỗi ngày nên cũng dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng.
Phòng tránh tình trạng trẻ suy dinh dưỡng
- Cung ứng lương thực thực phẩm đầy đủ cho trẻ: Ở những khu vực phát triển, những thành phố lớn thì đây không phải là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Nhưng ở những vùng ngọai thành, vùng ven và nông thôn đây vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng: Sữa mẹ luôn là thức ăn đầu đời hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và là thức ăn tốt, được trẻ chấp nhận trong giai đọan sau. Sữa mẹ, ngoài cung cấp chất dinh dưỡng còn cung cấp các yếu tố chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lý nhiễm trùng.
- Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng bữa ăn hợp lý : Tập cho trẻ ăn dặm khi bắt đầu 4-6 tháng tuổi nhưng cần đảm bảo cung cấp cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo), không kiêng khem, và duy trì sữa mẹ trong thời gian dưới 2 tuổi. Nếu không có sữa mẹ đủ, lựa chọn loại sữa thay thế phù hợp.
- Vệ sinh an toàn thực phẩm: Là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ trẻ tránh các bệnh nhiễm trùng đường ruột, giun sán… Cần lựa chọn những loại thực phẩm tươi ngon, an toàn, tránh bảo quản thực phẩm dài ngày trừ trường hợp có tủ cấp đông đúng quy cách, hạn chế cho trẻ dùng các thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp, nấu nướng thức ăn chín kỹ.
- Theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng: Việc lập và theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ hàng tháng sẽ giúp phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hoặc các nguy cơ nếu có và can thiệp sớm.
- Ngừa và trị bệnh : Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy… không cần lạm dụng kháng sinh mà cần nghe theo chỉ định của bác sĩ, dùng đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian, chăm sóc dinh duỡng tích cực trong thời gian bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bệnh.
Dựa vào những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em trên đây chúng ta có thể đưa ra được những cách phòng tránh và phương pháp điều trị hiệu quả giúp trẻ phát triển tốt, tăng cân nhanh và đều hơn. Chúc bạn có thêm những phương pháp chăm con hiệu quả!
Tham khảo thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng