Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm được bổ sung mỗi ngày. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất, các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và sự điều hòa của cơ thể rất dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng.
Hội chứng kém hấp thu ở trẻ em
Hội chứng kém hấp thu là tình trạng cơ thể không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thực phẩm.
Thông thường, trong suốt quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thu bởi ruột non, đưa vào máu và đến các mô, cơ và các cơ quan để hỗ trợ thực hiện các chức năng duy trì sự sống, xây dựng và phát triển cơ thể.
Mục đích chính của hệ thống tiêu hóa là tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng (chất béo, đường, tinh bột, protein, các vi chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất), nước và điện giải. Sự tiêu hóa bao gồm cả quá trình cơ học và sự biến đổi hóa học thức ăn nhờ enzyme, bắt đầu từ việc nhai, nghiền, cắt thức ăn đến sự nhào trộn bởi dịch dạ dày và sự hấp thụ trong ruột non, kết hợp sự thủy phân của enzyme nhờ dịch dạ dày, tuyến tụy và sự bài tiết dịch mật. Các sản phẩm cuối cùng của quá trình tiêu hóa được hấp thụ qua các tế bào biểu mô ruột.
Nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ mắc hội chứng kém hấp thu
Hội chứng kém hấp thu bao gồm một số các rối loạn trong đó các chất dinh dưỡng không được hấp thu thật sự và tối đa trong quá trình tiêu hóa, dẫn tới sự thiếu hụt của các thành phần đa lượng (protein, carbohydrate và chất béo) và các thành phần vi lượng (vitamin và khoáng chất). Hội chứng này có thể gây ra nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Những biểu hiện của kém hấp thụ
Hội chứng kém hấp thu không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa, mà còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Cơ thể thiếu hụt các vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng quan trọng khác có thể làm trẻ chậm phát triển tinh thần và thể chất dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch. Tùy nguyên nhân, các triệu chứng có thể khác nhau, các biểu hiện thường gặp:
- Đi ngoài phân lỏng, chủ yếu là tiêu lỏng mỡ (bao giờ cũng có), thường thành từng đợt xen kẽ với các giai đoạn bình thường. Phân nhiều nước, khối lượng nhiều, mùi tanh, màu nhợt, lổn nhổn, nổi trên mặt nước có váng, bóng, dính vào đáy bô.
- Đau bụng, cảm giác căng chướng, tức nặng, sôi bụng, có khi đau quặn nhẹ quanh rốn.
- Thể trạng suy sụp, sút cân, mệt mỏi, thường xuyên uể oải thiếu linh hoạt minh mẫn.
- Có cảm giác mất vị giác ở đầu lưỡi, ở họng, có khi rát và đau khi nuốt làm giảm khẩu vị, giảm thèm ăn.
- Đau trong xương, chuột rút do kém hấp thụ calci, trẻ chậm phát triển chiều cao, còi cọc.
- Có thể phù nề do giảm protein máu, da khô loạn dưỡng… Đôi khi xuất huyết dưới da, niêm mạc do thiếu máu và các yếu tố đông máu.
Nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu
Nguyên nhân của hội chứng kém hấp thu có thể là do bản thân trẻ đang bị mắc một căn bệnh viêm nhiễm nào đó, hoặc tổn thương ở bên trong thành ruột. Đôi khi hội chứng này là hậu quả của việc cơ thể không sản xuất đủ các enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Cụ thể cơ chế của bệnh như sau:
Kém hấp thu thứ phát, do hiện tượng tiêu hóa kém dẫn đến
Nếu trẻ tiêu hóa kém mà lượng thức ăn không được chia nhỏ thì ruột không thể hấp thu được và sẽ dẫn đến hiện tượng hấp thu kém. Hiện tượng tiêu hóa kém xảy ra khi thiếu các dịch tiêu hóa do các cơ quan tiêu hóa bài tiết ra, như nước bọt, mật, dịch tụy, dịch vị dạ dày, enzym tiêu hóa… hoặc do thiếu thời gian tiêu hóa (ống tiêu hóa ngắn). Thức ăn, được vận chuyển nhanh quá không đủ thời gian tiếp xúc, với các dịch tiêu hóa.
Khi hiện tượng tiêu hóa kém diễn ra một cách kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến bộ phận hấp thu của ruột làm cho các lông ruột bị teo bớt đi, và làm cho quá trình hấp thu bị giảm bớt. Đây gọi là tình trạng kém hấp thu thứ phát.
Kém hấp thu tiên phát do chính bộ phận hấp thu của ruột bị thương tổn
Nhiều trường hợp trẻ tiêu hóa bình thường nhưng dinh dưỡng trong thức ăn vẫn không hấp thu được vào trong máu. Đó là do chính ngay bộ phận hấp thu của ruột là lông ruột bị thương tổn, bị teo đi….
Như vậy hội chứng kém hấp thu bao gồm kém hấp thu tiên phát do chính bộ phận hấp thu của ruột bị thương tổn; Kém hấp thu thứ phát, do hiện tượng tiêu hóa kém dẫn đến.
Dù là kém hấp thu tiên phát hay thứ phát thì hậu quả đều giống nhau. Đó là thức ăn không được hấp thu tốt vào máu làm trẻ bị suy dinh dưỡng.
Lựa chọn điều trị đối với hội chứng kém hấp thu
Bổ sung các chất dinh dưỡng là bước đầu tiên trong việc điều trị hội chứng kém hấp thu. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng kém hấp thu, bạn nên tham khảo ý kiến của một chuyên gia dinh dưỡng để có những lời khuyên về một chế độ ăn bổ sung đủ các chất dinh dưỡng.
Xem thêm: Giải pháp cho trẻ không tăng cân do kém hấp thu
Trẻ bị kém hấp thu bạn không nên cố bổ sung nhiều thức ăn cho bé mỗi bữa mà nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và giàu carbohydrate, chất béo, chất khoáng, protein và vitamin. Trẻ cũng nên được theo dõi để phát hiện kịp thời các dấu hiệu mất nước như các triệu chứng hoa mắt, kiệt sức, khô miệng, khô da, khô lưỡi, tăng cảm giác khát và tiểu ít.
Bên cạnh đó, khi phát hiện con bị hội chứng kém hấp thu bạn cũng nên đưa bé đến trung tâm y tế để bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị và chế độ dinh dưỡng hợp lý để bổ sung cho bé.
Tóm lại, hội chứng kém hấp thụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dinh dưỡng của trẻ. Do đó nếu trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ kém hấp thụ, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, xét nghiệm tìm ra nguyên nhân kém hấp thụ, được điều trị và tư vấn về dinh dưỡng đầy đủ giúp hệ tiêu hóa trẻ khỏe mạnh, hấp thụ tốt để trẻ phát triển toàn diện.